Chi phí theo cách phân loại ứng xử của chi phí được chia thành chi phí bất biến và chi phí khả biến.
Chi phí bất biến là chi phí ổn định, không thay đổi trong một khoảng hoạt động nhất định, tức là không thay đổi theo sản lượng thực hiện trong một khoảng phù hợp. Chẳng hạn, tổng chi phí cố định cho bộ phận bán hàng trong khoảng sản lượng tiêu thụ từ 500 đến 700 sản phẩm là 50 triệu đồng.
Trong khi đó, chi phí khả biến là chi phí biến đổi theo sản lượng. Chẳng hạn chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, sản xuất càng nhiều thì nguyên vật liệu trực tiếp càng lớn. Thông thường chi phí khả biến được biểu diễn dạng y = ax, trong đó x là sản lượng, a là chi phí khả biến trên một đơn vị sản phẩm. Chi phí khả biến trên mỗi sản phẩm thực tế có thể thay đổi so với kế hoạch(dự toán). Trong đó, có hai nguyên nhân: Do thay đổi giá(Vd, giá nguyên liệu tăng hay giảm), thay đổi về lượng tiêu hao (Chẳng hạn do chất lượng nguyên liệu thay đổi nên lượng tiêu hao thay đổi).
Vì những gì phát sinh thực tế luôn khác dự toán ban đầu, nên vấn đề phân tích biến đổi chi phí khả biến là hết sức quan trọng nhằm khắc phục yếu kém, bất lợi, đồng thời phát huy những tích cực, lợi thế.
1. Mô hình chung để phân tích biến phí:
Giả sử chi phí bao gồm biến phí và định phí được biểu diễn dạng hàm số tuyến tínhCP = A.X + B
Trong đó:
X: Sản lượng
A: Biến phí /đơn vị sản phẩm = q.p, với q: Lượng tiêu hao(VD số lượng NVL, số giờ công lao động), p: đơn giá cua lượng tiêu hao(Đơn giá mua NVL, đơn giá giờ công lao động)
B: Chi phí bất biến.
Trong một khoản sản lượng phù hợp, định phí là cố định và chi phí bất biến/đơn vị sản phẩm là không đổi.
Đặt các chỉ số 0 là các chỉ tiêu kế hoạch, dự toán, 1 là các chỉ tiêu thực tế phát sinh.
Tại mức sản lượng X:
Chi phí khả biến thực tế Y1 = A1.X = p1.q1.X
Chi phí khả biến theo dự toán với mức sản lượng thực tế: Y0 = A0.X = p0.q0.X
Chênh lệch giữa chi phí khả biến là Dy = Y1 - Y0 = X(p1.q1-p0.q0)
Dy = X( q1(p1 - p0) + p0(q1 - q0 ))
Dy = X.[ q1(p1-p0) ] + X.[ p0( q1 - q0 ) ]
p0(q1-q0): chính là chênh lệch biến phí đơn vị theo mức tiêu hao thực tế do thay đổi về lượng tiêu hao, với đơn giá dự toán [ Gọi là biến đổi do lượng tiêu hao đơn vị thay đổi].
q1( p1 - p0): là chênh lệch biến phí đơn vị do thay đổi về giá, với mức tiêu hao thực tế [ Gọi là biến đổi do giá thay đổi ].
Dy = D(lượng) + D(Giá)
Bảng tính tích sau đây dựa trên các phân tích trên giúp ta dễ dàng tính toán:
Biến động chi phí âm là tích cực (chi phí giảm), cần phát huy. Nhưng nếu biến động dương (chi phí tăng) thì cần hạn chế. Cho dù biến động tăng hay giảm người quản lý cũng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân, nhằm khắc phục những yếu kém, bất lợi đồng thời phát huy những lợi thế, tích cực.
2. Ứng dụng phân tích biến phí nguyên vật liệu trực tiếp:
D = D(lượng) + D(giá)
D(lượng) = X.[ p0( q1 - q0 ) ],
D(giá) = X.[ q1(p1-p0)]
trong đó
p1: Đơn giá NVL thực tế, p0: Đơn giá dự toán
q1: Lượng tiêu hao thực tế đơn vị
q0: Lượng tiêu hao dự toán
Ví dụ ứng dụng:
Công ty TNHH SX TM Bình Minh sản xuất tiêu thụ sản phẩm A có tài liệu về chi phí nguyên vật liệu chính như sau:
* Định mức(Đơn vị sản phẩm):
Chi phí tiêu hao NVL chính M để sản xuất sản phẩm A: 10kg, đơn giá kế hoạch 4.000đ/kg
* Cuối kỳ, tổng hợp phát sinh thực tế:
Tiêu hao NVL chính M: 4.200đ/kg
Sản lượng thực tế đã sản xuất và tiêu thụ: 150 sản phẩm.
Biến động chi phí được phân tích như sau:
Nguyên vật liệu M:
p1: Đơn giá giá thực tế = 4200
p0: Đơn giá dự toán = 4000
q1: Lượng tiêu hao thực tế = 11kg
q0: Lượng tiêu hao dự toán = 10kg
Chi phí biến đổi:
D(lượng đơn vị) = p0( q1 - q0 ) = 4000(11-10) = 4000đ/sp
D(lượng toàn sản lượng) = 4000đ/sp.150sp = 600.000đ (1)
D(giá đơn vị) = q1(p1-p0) = 11( 4200 - 4000) = 2200đ/sp
D(giá toàn sản lượng) = 2200đ/sp .150sp = 330.000đ (2)
D(Do giá và do lượng) = 4000 + 2200 = 6200đ/sp
D(Toàn sản lượng) = 6200đ/sp . 150 sp = 930.000đ/sp = (1) + (2)
D(Toàn sản lượng cũng có thể tính bằng): Tổng chi phí thực tế - Tổng chi phí kế hoạch theo sản lượng thực tế = 11kg/sp*4200đ/kg*150sp - 10kg/sp*4000đ/kg*150sp = 930.000đ
Kết luận: Biến động biến phí mỗi sản phẩm = 6200đ/sp trong đó do biến động giá mua là 2200đ/sp và biến động do lượng tiêu hao thay đổi(từ 10kg/sp lên 11kg/sp) là 4000đ/sp kết quả là với sản lượng thực tế 150sp, tổng chi phí nguyên vật liệu chính đã tăng thêm 930.000đ(trong đó do biến đổi giá 330.000đ và biến đổi mức tiêu hao nguyên liệu là 600.000đ).
Lý do sâu xa của sự biến đổi này có thể là do:
- Biến đổi về giá: Có thể do giá thị trường tăng do tỷ giá ngoại tệ(nếu NVL là hàng nhập khẩu), do chi phí xăng dầu tăng hay do tăng giá trong toàn nền kinh tế(lạm phát, chỉ số giá tăng...). Đây là yếu tố khách quan, trong trường hợp này nhà quản lý khó có thể có giải pháp khắc phục, phải chấp nhận thực tế.
- Biến đổi về lượng tiêu hao trên đơn vị sản phẩm tăng: Có thể do quy trình sản xuất tổ chức lại không hợp lý dẫn đến lãng phí nguyên vật liệu. Do thay đổi nhân viên quản lý kho, vì chưa quen với công việc, khiến lượng rơi vãi nguyên liệu, hay nguyên liệu bị hỏng. Cũng có thể do bộ phận quản lý kho và sản xuất móc nối với nhau để "ăn cắp" nguyên vật liệu...
Tất cả các nguyên nhân trên cần được tìm hiểu và xem xét kỹ lưỡng, nhằm khắc phục tình trạng.
3. Ứng dụng phân tích biến phí nhân công trực tiếp:
Cũng công ty TNHH SX TM Bình Minh sản xuất tiêu thụ sản phẩm A có tài liệu như sau về chi phí nhân công trực tếp:* Đầu năm, dự toán : chi phí nhân công cho 1 sản phẩm là 5h lao động, với đơn giá dự tính 5.000đ(Đã bao gồm các khoản trích theo lương: BHYT, BHXH, KPCĐ, BHTN)
* Cuối năm, tổng kết chi phí thực tế: mỗi sản phẩm tiêu hao 6h lao động, chi phí trả cho công nhân mỗi giờ bằng 6.000đ/h, đơn giá tăng là do nguyên nhân khách quan(Do lương cơ bản theo quy định luật lao động tăng...)
Biến động chi phí được phân tích như sau
D = D(lượng) + D(giá)
D(lượng) = X.[ p0( q1 - q0 ) ],
D(giá) = X.[ q1(p1-p0)] trong đó
p0: Đơn giá nhân công dự toán = 5000đ/h
p1: Đơn giá nhân công thực tế = 6000đ/h
q0: Số giờ công lao động dự toán = 5h/sp
q1: Số giờ công lao động thực tế = 6h/sp
X: Sản lượng đã sản xuất
Biến động do lượng thay đổi
D(lượng đơn vị) = p0( q1 - q0 ) = 5000đ/h(6h/sp - 5h/sp) = 5000đ/sp
D(lượng toàn sản lượng) = 150sp.5000đ/sp = 750.000đ
D(giá đơn vị) = q1(p1-p0) = 6h/sp( 6000đ/h - 5000đ/h ) = 6000đ/sp
D(Giá toàn sản lượng) = 6000đ/sp * 150sp = 900.000đ
Kết luận: Tổng chi phí nhân công đã tăng thêm 1.650.000đ, do:
- Chi phí trên số giờ công lao động tăng từ 5000đ/h lên 6000đ/h làm cho chi phí tăng thêm trên mỗi đơn vị sản phẩm bằng 6000đ/sp, kết quả là tăng 900.000đ trên toàn bộ 150sp.
- Số giờ công lao động mỗi sản phẩm tăng lên từ 5h/sp tới 6h/sp , làm cho chi phí lao động tăng thêm 5000đ/sp, kết quả là với 150 sản phẩm, chi phí đã tăng thêm 750.000đ
(1.650.000 = 900.000 + 750.000)
Đối với chi phí tăng do giá: Có thể là yếu tố khách quan, nhà quản lý khó thể có các giải pháp khả thi.
Nhưng đối với chi phí tăng do số giờ công lao động tăng thêm trên mỗi sản phẩm, có thể có các nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn, do tổ chức lại quy trình sản xuất không hợp lý phát sinh nhiều động tác thừa của công nhân trong quá trình sản xuất, sắp đặt trí máy móc không phù hợp khiến thời gian lao động "chết" tăng thêm... Vấn đề này, nhà quản lý cần tìm hiểu rõ nguyên nhân để khắc phục.
Quý bạn đọc quan tâm, có thể tải tập tin bảng tính Excel tại: http://www.4shared.com/document/h2sVph0R/Phan_Tich_Bien_Dong_Chi_phi.html để ứng dụng tại đơn vị mình.
_____________________
Nguyễn Ngọc Hiến(ng2hien)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét